PGS.TS Nguyễn Đình Tùng – Viện trưởng Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) cùng nhóm cộng sự đã thành công trong việc thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị sấy và sơ/chế biến nông sản quy mô công nghiệp.
Ngành nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như lúa gạo, cà phê, tiêu, thủy sản… các mặt hàng khác như rau củ, trái cây cũng đã từng bước đi vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp phần lớn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, phạm vi hộ gia đình với phương thức canh tác thủ công, hạn chế về công nghệ, thiết bị và phương pháp chế biến nên phần lớn nông sản vẫn đang xuất khẩu thô, không mang lại nhiều giá trị gia tăng.
Trong lĩnh vực trồng trọt mới chỉ có cây lúa có mức độ cơ giới hóa cao ở nhiều khâu. Các loại cây trồng khác như: mía, ngô, rau quả chỉ mới cơ giới hóa ở khâu làm đất, gieo hạt và chưa áp dụng được nhiều trong khâu thu hoạch, bảo quản, nhất là khâu sản xuất chế biến. Hiện nay, để sấy, chế biến nông sản thường sử dụng đến nguồn năng lượng nhiệt và điện, thiết bị công nghệ sử dụng còn hạn chế, gây tiêu hao năng lượng, chưa mang lại hiệu suất cao.
Từ thực tế đó, để khắc phục những nhược điểm của các công nghệ/phương pháp sấy hiện có, PGS.TS Nguyễn Đình Tùng – Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (RIAM) cùng nhóm cộng sự đã bắt tay thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị sấy và sơ/chế biến nông sản quy mô công nghiệp.
Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm thực hiện đã bước đầu làm chủ và hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị sấy và sơ/chế biến nông sản (ngô, sắn khúc) quy mô công nghiệp. Cụ thể, Hoàn thiện thiết kế, chế tạo các thiết bị chính cải tiến trong dây chuyền sấy và sơ/chế biến nông sản (ngô, sắn khúc) quy mô công nghiệp đạt yêu cầu kỹ thuật về nâng cao công suất nhiệt cho lò đốt và hiệu quả quá trình sấy.
Sản phẩm của dự án được lắp đặt, thử nghiệm thực tế tại cơ sở sản xuất cho thấy hệ thống dây chuyền hoạt động ổn định; năng suất thực tế tăng hơn so với năng suất thiết kế; Công suất nhiệt lò đốt tăng khoảng gần 56%; Hiệu suất nhiệt lò đạt gần 88%; năng suất máy sấy tăng gấp 2-3 lần so với đăng ký; độ khô đồng đều khoảng trên 99,6%; độ vỡ vụn nhỏ khoảng 0,15-1,05%; nhiên liệu đốt tiết kiệm khoảng gần 20%.
PGS.TS Nguyễn Đình Tùng – trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Với kinh nghiệm học tập và nhiều năm làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và môi trường, nhất là năng lượng tái tạo được ứng dụng trong nông nghiệp phục vụ cho ngành chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, nhóm nghiên cứu đã đào sâu nghiên cứu về công nghệ, thiết bị chuyển đổi năng lượng tái tạo từ sinh khối, từ các phụ phẩm trong nông lâm nghiệp…”
So với các thiết bị tương đương trong và ngoài nước thì công nghệ sấy, chế biến ngô giống hiện đại của RIAM có ưu điểm nổi trội là tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ khi được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, công trình nghiên cứu này đã được doanh nghiệp, người dân đánh giá rất cao. Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp đã đămg ký Bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm.
Về hiệu quả xã hội, việc thiết kế, chế tạo các hệ thống thiết bị sấy và sơ/chế biến nông sản quy mô công nghiệp đã góp phần tăng năng suất lao động, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống đối với doanh nghiệp, bà con nông dân. Không chỉ vậy, còn góp phần cải thiện điều kiện làm việc, an toàn lao động cho người lao động.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu dự kiến tiếp tục triển khai ứng dụng rộng rãi kết quả của dự án tại các tỉnh thành trong cả nước; Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng Hệ thống dây chuyền thiết bị trong dự án đối với một số loại nông sản khác, có thể ứng dụng cho sấy nông sản giống (lúa, ngô, lạc, đậu/đỗ,….); Nghiên cứu cải tiến lò sấy nhằm nâng cao nhiệt độ sấy đến 160-180 độ để sử dụng cho hệ thống sấy chè xanh, nâng cao hiệu suất trao đổi nhiệt và công suất nhiệt để đa dạng hóa sản phẩm sấy và giảm chi phí sản xuất.