Việt Nam phát triển mạnh mẽ ở nền nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài và đóng góp đáng kể vào kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tính đến năm 2012 nông nghiệp đóng góp tới gần 20% tổng của cải làm ra, riêng năm 2015, mức độ đóng góp của ngành Nông nghiệp vào tăng trưởng GDP đạt 0,4 % trong mức tăng GDP là 6,68%.
Ngành Nông nghiệp nước ta đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu trong nước và đóng góp đáng kể vào xuất khẩu. Tuy nhiên, trước yêu cầu hội nhập phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam cũng bộc lộ một số tồn tại cần giải quyết để xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Để nền nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi từ truyền thống lên hiện đại
Tuy vậy, nhìn tổng thể, nền nông nghiệp nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch và liên kết dẫn đến chất lượng tăng trưởng và hiệu quả phát triển ngành Nông nghiệp không cao, kém bền vững.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi, không giống như các ngành sản xuất khác có thể dễ dàng chuyển đổi phương thức sản xuất thì ở ngành Nông nghiệp, sự chuyển dịch lên hiện đại có sự khó khăn rất lớn. Trong đó, việc chuyển dịch ngành Nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại, đòi hỏi cần có những điều kiện cơ bản nhất định sau:
Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở mức nhất định. Những năm qua, cùng với sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp, nhiều loại máy móc thiết bị thu hoạch đã được đưa vào sử dụng để thay thế lao động thủ công, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, giảm tổn thất trong sản xuất.
Tích tụ đất đai cho nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thông qua mở rộng quy mô sản xuất phù hợp, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và hình thành khu vực chuyên canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa gắn với thị trường.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn phải được đầu tư đồng bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế nông nghiệp và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội nông thôn.
Khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gia tăng, ảnh hưởng tích cực vượt bậc đến năng suất lao động nông nghiệp. Khoa học và công nghệ giữ một vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH nông nghiệp nông thôn, vừa là một trong những lực lượng, góp phần đẩy nhanh sự phát triển, vừa là chỉ tiêu thể hiện trình độ phát triển.
Cơ cấu kinh tế nông thôn đang chuyển dần từ kinh tế thuần nông sang các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đến nay, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong đó có cụm công nghiệp chế biến ở nông thôn như các cụm nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm rau quả, cá tra, tôm, chè, cà phê, điều… ở các vùng nguyên liệu.
Trình độ dân trí khu vực nông thôn được nâng cao đủ khả năng tiếp thu các giá trị mới trong ứng dụng khoa học vào sản xuất. Việc nâng cao trình độ sẽ giúp người dân nâng cao khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học về gen, giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch với chi phí tiết kiệm mà năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao.